Tăng 8% lương hưu, trợ cấp đối với cán bộ, công chức; Bổ sung đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nhân viên lãnh sự nước ngoài được cấp thẻ tạm trú đến 5 năm... là những chính sách có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2016.

Tăng 8% lương hưu, trợ cấp đối với cán bộ, công chức
Theo Thông tư 23/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 1/9/2016, mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ xã, phường, thị trấn bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng trong thời gian từ ngày 1/1/2015 đến trước ngày 1/5/2016 được tăng thêm 8%.
Cụ thể: Mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng mới sẽ bằng mức lương hưu, trợ cấp hiện hưởng nhân với 1,08.  Thời điểm điều chỉnh tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.
Đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1/1/1995, đang hưởng lương hưu trước ngày 1/1/2016 hoặc bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1/1/2016 - 31/12/2016, nếu mức lương hưu sau khi đã được điều chỉnh thêm 8% mà vẫn thấp hơn 1,15 triệu đồng thì được điều chỉnh bằng 1,15 triệu đồng/tháng, áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 1/1/2016 - 30/4/2016.
Nếu thấp hơn 1,21 triệu đồng thì được điều chỉnh bằng 1,21 triệu đồng/tháng, áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 1/5/2016 trở đi.

Cán bộ quản lý thị trường không được sách nhiễu, đòi tiền
Theo Pháp lệnh Quản lý thị trường số 11/2016/UBTVQH13 có hiệu lực từ 1/9, công chức quản lý thị trường không được làm các việc sau:
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thái độ, cử chỉ, phát ngôn không đúng quy định đối với tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ.
Cản trở lưu thông hàng hóa, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên thị trường; đe dọa, mua chuộc, lừa dối đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành hoặc xử lý vi phạm hành chính.
Thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, biện pháp nghiệp vụ không có căn cứ, không đúng chức năng, thẩm quyền, phạm vi nhiệm vụ, địa bàn hoạt động được giao, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Cũng theo pháp lệnh này, công chức quản lý thị trường đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và không trong thời gian bị kỷ luật sẽ được cấp thẻ kiểm tra thị trường; thẻ có thời hạn sử dụng 05 năm kể từ ngày được cấp.
Nhân viên lãnh sự nước ngoài được cấp thẻ tạm trú đến 5 năm
Có hiệu lực từ ngày 1/9/2016, Thông tư 04/2016/TT-BNG của Bộ Ngoại giao quy định thẻ tạm trú cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức liên Chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc đi cùng có ký hiệu NG3, có thời hạn tối đa là 5 năm và ngắn hơn thời hạn của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.

Theo quy định của thông tư, người nước ngoài đã được cấp thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG4, sau khi nhập cảnh Việt Nam nếu có nhu cầu gia hạn tạm trú thì phải thông qua cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam để gửi hồ sơ thông báo/đề nghị gia hạn tạm trú tới Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM.
Thời hạn tạm trú được gia hạn và thời hạn thị thực mới được cấp phải phù hợp với mục đích nhập cảnh, đề nghị của cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh và có thời hạn tối đa 12 tháng, ngắn hơn thời hạn hộ chiếu của người nước ngoài ít nhất 30 ngày.
Bổ sung đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 bổ sung đối tượng chịu thuế mới, đó là: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
Quy định hiện hành thì đối tượng chịu thuế chỉ gồm: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam; Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/9/2016 và bãi bỏ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005.
Điều kiện thi thăng hạng viên chức chuyên ngành tài nguyên môi trường
Theo Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn, điều kiện, hình thức, nội dung thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường có hiệu lực từ 1/9, việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp và nhu cầu của đơn vị sự nghiệp.
Về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi, viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp chuyên ngành tài nguyên và môi trường khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:Thuộc đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu; Đang giữ chức danh nghề nghiệp có cùng 4 chữ số đầu trong mã số chức danh nghề nghiệp với chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi thăng hạng; Có đủ tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi theo quy định; Có khả năng đảm nhiệm hoặc đang làm việc ở vị trí công việc phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi thăng hạng; Được cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức đánh giá có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 (ba) năm liên tục tính đến thời điểm thông báo nộp hồ sơ dự thi của cơ quan có thẩm quyền; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Xếp lương giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư
Theo Nghị định 117/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 21/7/2016 có hiệu lực từ 15/9 quy định bổ sung về xếp lương đối với giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư.
Cụ thể, nếu chưa xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì giảng viên đó được xếp lên 1 bậc trên liền kề từ ngày được bổ nhiệm chức danh giáo sư, thời gian xét nâng bậc lương lần sau kể từ ngày giữ bậc lương cũ.
Trường hợp đã xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì được cộng thêm 3 năm để tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư.
Cũng theo Nghị định này, sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và sĩ quan công an nhân dân đã giữ cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ hiện đảm nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ, đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe thì được xét nâng lương.
Thời hạn xét nâng lương của cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm đối với cấp tướng, cấp tá và đại úy là 4 năm; đối với thượng úy là 3 năm….
Theo Eva

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
Tin hot 360 ngày © 2013. All Rights Reserved. Thiết kết bởi:Hainb
Top